Rất nhiều người trong chúng ta lầm tưởng rằng, trao đổi chất tốt tức là hấp thụ tốt chất dinh dưỡng từ thực phẩm, gây nên chứng bệnh béo phì. Nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại, chuyển hoá chất nhanh hơn sẽ giúp cơ thể không tích trữ năng lượng dư thừa, đốt cháy chất béo nhiều hơn, giảm cân hiệu quả hơn.

Trao đổi chất là quá trình cơ thể chuyển hoá lượng calories nạp vào thành năng lượng để thực hiện mọi hoạt động, kể cả mọc tóc hay hít thở. Chính vì thế, trao đổi chất càng hiệu quả, bạn sẽ không phải đau đầu xử lí lượng calories dư thừa lưu trú trong cơ thể dưới dạng mỡ.

Tuy nhiên, bí quyết để trao đổi chất hiệu quả không còn là điều bí ẩn nữa. Đừng chần chừ mà áp dụng 7 bước tăng cường trao đổi chất cực đơn giản ngay thôi!

Bước 1: Uống nhiều nước

Không uống đủ nước, cơ thể sẽ đốt cháy ít calories hơn, thận sẽ phải làm việc vật vả hơn để cân bằng lượng nước trong cơ thể.

Nên nạp đủ nước mỗi ngày cho cơ thể, có thể từ nhiều nguồn khác nhau như từ bữa ăn, các loại trà, nước trái cây, nước detox… Đặc biệt, trà giúp tăng tốc độ chuyển hóa, 2-4 tách trà/ngày giúp đốt cháy nhiều hơn 17% calories khi tập thể dục.

Bước 2: Chế độ ăn uống lành mạnh

Hạn chế tối đa đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, chế biến nhiều bước, thay vào đó, hãy tập cho mình ăn các đồ luộc, hấp, áp chảo…

Bổ sung thêm nhiều trái cây, rau củ - các chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình nữa nhé!

Bước 3: Dậy sớm

Ánh nắng mặt trời vào buổi sáng chứa rất nhiều vitamin D, giúp cho quá trình trao đổi chất trở nên hiệu quả và giúp tiêu hao năng lượng mạnh mẽ. Dậy sớm cũng giúp nhịp sinh học của cơ thể được cân bằng giữa ngày và đêm

Bước 4: Bổ sung chất tăng cường chuyển hóa

Dù giảm cân nhưng đừng “xóa sổ” hoàn toàn sữa và các chế phẩm từ sữa ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Bởi, chúng giúp bổ sung canxi để đốt cháy mỡ và tạo cơ bắp. Nếu lo sợ sữa từ động vật sẽ khiến mình dễ nổi mụn, bạn có thể sử dụng sữa từ các loại hạt để thay thế.

Ngoài ra, cần duy trì lượng sắt ổn định cho cơ thể để lưu thông máu tốt hơn. Nên sử dụng muối iot thay cho muối tinh để phòng tránh các bệnh về tuyến giáp.

Bước 5: Vận động cơ thể

Hãy chọn cho mình một bộ môn thể thao yêu thích, và tập luyện đều đặn. Điều này sẽ giúp tăng cường chuyển hóa trong cơ thể.

Cơ bắp luôn cần được giải phóng năng lượng. Nếu không có nhiều thời gian đến phòng gym hay tập các môn thể thao chuyên nghiệp, các bạn có thể lựa chọn các bài vận động nhẹ nhàng nhưng vẫn hiệu quả như đi bộ, nhảy dây, tập yoga...

Bước 6: Ăn kiêng khoa học

  • Nguyên tắc: Không bao giờ bỏ bữa, ăn đủ 3 bữa/ngày

  • Mỗi bữa ăn cách nhau 3-4 tiếng

  • Lựa chọn nguồn thực phẩm ăn vặt giàu dinh dưỡng, ít chất béo, tinh bột như: hoa quả, các loại hạt…

  • Cắt giảm chứ không cắt bỏ hoàn toàn tinh bột. Lựa chọn các loại tinh bột chuyển hóa chậm như: gạo lứt, khoai lang, bánh mì đen...

Nếu các bạn cắt giảm đột ngột khẩu phần ăn, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách tích trữ nhiều hơn từ những thức ăn bạn nạp vào. Những món ăn vặt chứa nhiều chất béo sẽ khó để chuyển hóa, và cũng không nên loại bỏ hoàn toàn carbohydrate vì điều đó sẽ khiến não hoạt động kém đi.

Bước 7: Tránh xa stress

Nếu cơ thể luôn ở trong trạng thái stress mà không được giải tỏa, quá trình trao đổi chất sẽ bị đình trệ. Hãy giữ cho tinh thần luôn thoải mái, lạc quan bằng cách tránh xa các loại thực phẩm xấu như: đồ ngọt nhân tạo, chất kích thích, hạn chế sử dụng thuốc Tây; thường xuyên vận động cơ thể, gìn giữ thói quen, sở thích của bản thân.

Thu Hà (T/h)