Người Á Đông thường có sống mũi thấp và phần cánh mũi bị to, chính vì thế mà những nằm gần đây, trào lưu nâng mũi bằng công nghệ thẩm mỹ được rất nhiều chị em lựa chọn để tân trang nhan sắc. Sống mũi cao, cong mềm mại, cánh mũi gọn và lỗ mũi chữ A ...là những tiêu chí mà các chị em luôn hướng tới, tuy nhiên không phải ai cũng có được dáng mũi như ý, thậm chí còn “tiền mất tật mang”.
Do đó, các bạn cần tìm hiểu và tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để làm đẹp một cách an toàn và hiệu quả, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Mong rằng bài viết dưới đây có thể giúp các bạn hiểu thêm về phương pháp làm đẹp này.
1, Vậy thế nào là một chiếc mũi đẹp?
Mỗi người lại sở hữu một khuôn mặt khác nhau, chính vì vậy không có một công thức chung cụ thể nào được áp dụng cho tất cả các khuôn mặt. Tuy nhiên vẫn có những tiêu chí quan trọng để đánh giá một chiếc mũi đẹp, đó là sự hài hòa, tự nhiên với đường nét trên gương mặt, phù hợp với chuẩn mực gương mặt phụ nữ Á Đông., vừa thể hiện được nét thẩm mỹ hiện đại.
Vì vậy, trước khi thực hiện, chị em cần được khám và tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm để có được dáng mũi đẹp, tự nhiên và hài hòa với tổng thể khuôn mặt.
2, Các phương pháp nâng mũi
Có rất nhiều phương pháp khác nhau giúp chị em sở hữu chiếc mũi cao và đẹp. Nhưng về cơ bản, thẩm mỹ nâng mũi được sử dụng chính hiện nay được chia thành 2 nhóm phương pháp chính: Nhóm phẫu thuật và Không phẫu thuật.
*Nhóm không phẫu thuật bao gồm : tiêm chất làm đầy, bôi mỡ tự thân, nâng mũi bằng chỉ
Nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy là phương pháp sử dụng chất làm đầy (filler) tiêm vào sống mũi, sau đó chỉnh sửa để sống mũi cao và đẹp như ý.
Phương pháp này có thể cho thấy kết quả nhanh chóng chỉ sau vài phút thực hiện mà không hề gây sưng đau. Tuy nhiên phương pháp này lại không thể duy trì hiệu quả lâu dài vì chất làm đầy sẽ tự tiêu theo thời gian, do đó nếu muốn tiếp tục duy trì thì phải tiêm bổ sung sau khoảng tầm 1-2 năm.
Nâng mũi bằng mỡ tự thân là phương pháp sử dụng dụng cụ chuyên biệt để lấy mỡ tự thân và tiêm nhiều lớp vào một vùng nào đó của mũi để tạo dáng mũi như ý.
Phương pháp này cho thấy ngay kết quả, thời gian duy trì cũng lâu hơn nhiều so với tiêm chất làm đầy và khá linh động vì có thể bơm mỡ vào một phần nào đó của mũi để tạo ra thay đổi mà không làm ảnh hưởng đến các phần khác. Tuy nhiên, phương pháp này cũng được đánh giá là khá phức tạp bởi từ khâu lấy mỡ cho tới việc đem chiết tách và ly tâm mỡ phải tuân theo một quy trình đặc biệt mới đảm bảo an toàn. Hơn nữa, phương pháp này chỉ thích hợp với những dáng mũi cần thay đổi nhỏ mà không phù hợp với những người muốn thay đổi hoàn toàn dáng mũi và sau một thời gian nhất định, mỡ sẽ bị tiêu đi 1 phần nên phải tiêm lại.
Nâng mũi bằng chỉ là phương pháp sử dụng các bó chỉ hoặc bó sợi collagen để đưa vào mũi bằng đường kim tiêm, tạo hiệu ứng kéo vây quanh mũi.
Các bó sợi này sẽ nâng sống mũi và tự tiêu đi, để lại sống mũi với những lớp collagen tự thân, làm sống mũi đẹp một cách tự nhiên. Phương pháp này được thực hiện rất nhanh chóng và thấy ngay kết quả chỉ sau vài chục phút mà không cần nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do đặc điểm của chỉ nâng là tự tiêu nên sau khoảng 6-7 tháng, mũi sẽ trở lại hình dạng ban đầu, muốn duy trì thì phải thường xuyên phải thẩm mỹ theo định kỳ. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng chỉ cải thiện được vùng sống mũi mà không có tác dụng với những trường hợp cánh mũi bè, đầu mũi to.
*Nhóm phẫu thuật bao gồm: Nâng mũi bằng sụn nhân tạo và nâng mũi bằng sụn tự thân
Nâng mũi bằng sụn nhân tạo là phương pháp sử dụng những thanh chất dẻo làm bằng silicon có màu nâu hoặc trắng, đặt trên xương mũi để tạo sống mũi S-line thật tự nhiên mà không bị lộ liễu.
Đây là phương pháp thường được áp dụng cho những người mũi tẹt, mũi thấp, không có sống mũi. Tuy nhiên, nếu sử dụng thanh độn kém chất lượng sẽ làm cho chất liệu độn lộ rõ ra dưới da, nhất là vùng đầu mũi, thậm chí làm da bị thủng hoặc gặp một số biến chứng như mũi bị vẹo, mũi nghiêng, lệch sang bên, tụt chất liệu độn.
Nâng mũi bằng sụn tự thân là phương pháp đặt thêm một miếng sụn tự thân dọc theo sống mũi để kéo dài, làm thẳng và tạo hình thon thả cho chiếc mũi. Sụn tự thân được lấy từ những bộ phận trên cơ thể của chính bệnh nhân như sụn sườn, sụn vành tai, sụn vách ngăn hoặc sụn sườn. Phương pháp này được đánh giá là an toàn nhất do tương thích với cơ thể nhưng do sụn tự thân cần được nuôi dưỡng dưới dạng thẩm thấu nên sẽ bị tiêu 1 phần hoặc bị cong vênh.
*Những trường hợp KHÔNG NÊN NÂNG MŨI
Mặc dù nâng mũi là nhu cầu làm đẹp chính đáng, nhưng không phải ai cũng thích hợp để thực hiện. Do đó, để đảm bảo sức khỏe thì những trường hợp sau không nên thực hiện nâng mũi:
Người có tiền sử bệnh huyết áp cao, máu loãng, người có bệnh tim mạch
Phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh 6 tháng, hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt cũng không nên thực hiện vì lúc này cơ thể chưa hoàn toàn đảm bảo sức khỏe để thực hiện.
Chính vì tất cả những điều đã nêu ở trên mà trước khi quyết định nâng mũi chị em cần phải khám sức khỏe tổng quát, đồng thời cần xác định rõ ràng dáng mũi, phương pháp thực hiện và chọn địa chỉ uy tín đã được cấp phép để có được chiếc mũi ưng ý và tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Cre: eva.vn